Mụn trứng cá là một loại bệnh ảnh hưởng đến tuyến dầu của da. Những lỗ nhỏ trên da quý vị (lỗ chân lông) kết nối với tuyến dầu dưới da. Những tuyến này tạo ra chất dầu được gọi là bã nhờn. Lỗ chân lông kết nối với các tuyến này bằng một ống được gọi là nang. Bên trong nang, dầu chuyển các tế bào da chết đến bề mặt của da. Một sợi lông mỏng cũng mọc qua nang và đâm ra ngoài da. Khi nang của một tuyến da bị bít lại, mụn sẽ mọc lên.
Hầu hết mụn mọc ở trên mặt, cổ, lưng, ngực và vai. Mụn trứng cá không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng có thể để lại sẹo.
1. Nguyên nhân nào thực sự gây ra mụn?
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự gây ra mụn vẫn chưa được biết đến. Các bác sĩ cho rằng mụn là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó hai yếu tố chính là do xáo trộn nội tiết tố (hormone) vào tuổi dậy thì, trước chu kỳ hoặc trước mãn kinh và do vi khuẩn sống ở nang lông (vi khuẩn P. ance).
2. Hormone nào gây ra mụn?
Hormone Androgens được tuyến thượng thận sản xuất làm kích thích sự hoạt động tuyết nhờn, có thể gây ra mụn.
Ngược lại, hormone estrogen ở phụ nữ có thể giúp làm giảm mụn. Do lượng estrogen thay đổi theo chu kì kinh nguyệt nên các chị em có thể bị mụn khi “đến ngày”. Đây cũng là lý do vì sao một số thuốc chứa estrogen có thể giúp điều trị mụn cho chị em.
3. Stress có gây mụn không?
Đối với một số người, stress và mất ngủ làm mụn của họ tệ hơn. Tâm lý căng thẳng khiến cơ thể sản xuất nhiều androgen, hormone này kích thích tuyến bã nhờn gây nên mụn.
4. Thức ăn có gây mụn không?
Các bác sĩ thường khẳng định là chưa có bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa thức ăn với mụn nhưng trên thực tế một vài loại thức ăn có thể làm cho mụn nặng thêm, tùy vào cơ địa mỗi người (không phải lúc nào bác sĩ cũng đúng các chị ạ).
Nhiều người khẳng định 100% rằng sau khi kiêng hẳn một loại thức ăn nào đó, tình trạng mụn của họ đã cải thiện hoàn toàn. Do vậy các chị hãy chú ý tới những món mình ăn, nếu cảm thấy món nào “không ổn” cho da mặt thì hãy hạn chế nhé.
Riêng Hà thường tránh ăn nhiều đồ nóng (gây nhiệt trong người), như sầu riêng, xoài, chất cay (ớt, tiêu), các món ăn nhiều dầu mỡ (khi ăn nhiều những thức ăn này, “hậu quả” khá rõ). :-) Ngoài ra, cà phê, thuốc lá… cũng có thể kích thích tuyến bã nhờn gây mụn.
5. Có phải rửa mặt càng nhiều càng tốt?
Việc rửa mặt quá nhiều không cải thiện tình trạng mụn, ngược lại có thể làm rát da, tăng viêm nhiễm. Tuy nhiên “lười” rửa mặt cũng không tốt (mồ hôi và bụi bẩn là môi trường tốt cho vi khuẩn P. ances phát triển).
Tốt nhất nên rửa mặt 1-2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt phù hợp và 3-4 lần/ngày bằng nước, nhất là sau đi ngoài đường về hoặc đổ mồ hôi.
6. Mồ hôi có gây mụn không?
Việc đổ mồ hôi nhiều và quần áo ẩm ướt có thể làm tăng 15% mụn. Vì vậy nên rửa mặt sau khi làm việc nặng hoặc ra mồ hôi.
7. Thuốc men có gây ra mụn?
Mụn có thể tăng khi dùng thuốc bôi ngoài da không đúng cách, thuốc có chứa nhiều chất Corticoid (như Dexamethasol, Betamethazol…), thuốc làm thay đổi nội tiết tố nhất là các thuốc chứa androgen (chẳng hạn thuốc phát triển cơ bắp, thuốc trị động kinh) v.v.
8. Mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da có gây mụn?
Một số loại mỹ phẩm có thể làm cho tình trạng mụn của các chị nặng thêm. Tốt nhất các chị nên chọn những mỹ phẩm có ghi “non-comedogenic” (không gây ra mụn đầu trắng & đầu đen) hoặc “non-acnegenic” (không gây mụn trứng cá). Những sản phẩm này đều đã được thử trên thỏ hoặc người da nhờn nên chúng ít có nguy cơ gây ra mụn hơn.
Tuy nhiên, không có sản phẩm nào đảm bảo 100% không gây ra mụn, vì chúng có thể tốt với người này nhưng lại kích ứng với người khác. Ngoài ra nếu có trang điểm, các chị hãy luôn luôn tẩy trang trước khi đi ngủ nhé!
9. Cuộc sống văn minh có gây ra mụn?
Có một thực tế là các dân tộc kém văn minh ít bị mụn (chẳng hạn nghiên cứu 1200 thổ dân ở đảo Trobian – Tân Guinee, không có người nào bị mụn, trong đó có 300 người ở tuổi dậy thì. Kết quả cũng tương tự với các dân tộc kém văn minh khác). Có thể thói quen dùng nhiều đường tinh luyện trong thực phẩm làm thay đổi nội tiết và tăng tiết chất bã gây nên mụn.
10. Môi trường ô nhiễm có gây ra mụn?
Điều này đúng với một số người, đặc biệt ở những đất nước mà môi trường đáng báo động như Việt Nam. Hà có người quen đi công tác nước ngoài gần 2 năm, khi trở về da mặt rất đẹp. Tuy nhiên sau 6 tháng ở Tp HCM đã bị mụn trở lại.
11. Còn những tác nhân nào có thể gây ra mụn nữa?
Công việc: môi trường làm việc có thể tạo điều kiện để các chị tiếp xúc với những chất gây ra mụn.
Ánh nắng: nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc phơi nắng quá nhiều cũng gây ra mụn.
Khí hậu: Sự ẩm ướt có thể tạo ra hơi nước ở lỗ chân lông khiến chúng sưng lên. Ngược lại, quá khô ráo cũng có thể làm cho chất nhờn bị tắc nghẽn ở lỗ chân lông.
Thói quen nặn mụn: Trong nhiều trường hợp, việc nặn mụn làm dây vi khuẩn từ chỗ này sang chỗ kia, hoặc khiến vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào da. Chị nào từng bị mụn bọc chắc biết, khi mụn mới bắt đầu sưng, nếu cứ dùng ngón tay bóp hoặc nặn thì mụn dễ sưng to và rất đau.
Áo gối, chăn màn, khẩu trang … bị bẩn: Nên giặt những vật dụng cá nhân định kì để đảm bảo vệ sinh. Đôi khi những chất bẩn bám trên áo gối hay khẩu trang lâu ngày không giặt cũng là yếu tố góp phần gây ra mụn.
|